Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 6

  • Hôm nay 3404

  • Tổng 4.222.046

Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Phong phú đa dạng
Dễ sử dụng
Hữu ích

118 người đã tham gia bình chọn

Nhu cầu cấp bách là hỗ trợ lao động và dòng tiền

Ngày đăng: 01/12/2021

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Bình tâm đã dần trở lại trong các doanh nghiệp. Đây là thời điểm doanh nghiệp chạy đua để lấy lại quãng thời gian ngừng nghỉ do dịch bệnh 4 tháng qua, lên kế hoạch cho năm tới.

Tuy nhiên, thiếu lao động và vốn lưu động là hai vấn đề đặt ra với các kế hoạch này. 

Description: https://media.baodautu.vn/Images/phuongthanh02/2021/10/30/a%20t5.jpg

Lao động đang là vấn đề khó khăn nhất với doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động. Ảnh: Đ.T

Tình hình đang tốt lên

Tuần cuối tháng 10, không khí cuộc trao đổi thường xuyên giữa các hiệp hội doanh nghiệp và Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ khác hẳn những tuần trước.

“Tinh thần phấn khởi rõ hơn sau khi Chính phủ, địa phương tập trung triển khai Nghị quyết 128/NQ-CP (quy định tạm thời Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19). Dù một số địa phương có tỷ lệ tiêm vắc-xin còn thấp, nhưng chúng tôi thấy rõ, việc đóng cứng sẽ không xảy ra nữa, chính quyền các địa phương và cả doanh nghiệp đã bản lĩnh hơn trong xử lý các giải pháp phòng, chống dịch”, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) chia sẻ.

Thông tin trên được các hiệp hội dệt may, điện tử, logistics, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, Đà Nẵng... đồng tình. Ngay tại khu vực TP.HCM, tâm dịch Covid-19 hơn 1 tháng trước, tốc độ trở lại của doanh nghiệp được cho là nhanh.

Ông Trần Việt Anh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp TP. Thủ Đức, Chủ tịch Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn thông tin, hầu hết trong số 40.000 doanh nghiệp hội viên đã quay trở lại. “Các doanh nghiêp đang ổn định hoạt động, theo nghĩa có đầu ra ổn định, tâm lý người chủ, lao động bình tĩnh hơn, dù F0 có thể xuất hiện”, ông Việt Anh nói.

Sự ổn định này đang được hậu thuẫn thêm bởi sự hỗ trợ giảm thuế VAT và thu nhập doanh nghiệp, được áp dụng từ ngày 1/11 đến hết năm. Đây chính là thời gian các nguyên vật liệu sẽ về cảng, doanh nghiệp bắt đầu sản xuất, phát sinh các hoạt động mua bán..., nên việc giảm thuế VAT sẽ ngay lập tức hỗ trợ dòng tiền cho doanh nghiệp.

Trong số các doanh nghiệp đã hoạt động trở lại, thuận lợi nhất là những doanh nghiệp đã duy trì “3 tại chỗ” do giữ được tỷ lệ lao động ở lại cao, ổn định đơn hàng và có kinh nghiệm trong xử lý các phát sinh do các giải pháp phòng, chống dịch. Một số doanh nghiệp lớn trong ngành dệt may như Việt Tiến, Thành Công, May Phong Phú... đang có tỷ lệ lao động ở lại nhà máy và quay lại làm việc lên tới 80-90%.

Trong lĩnh vực vận tải hàng hóa, lưu thông đã được nối thông. “Thời gian khó khăn nhất đã qua. Vẫn còn một số vấn đề nhỏ, nhưng tôi nghĩ, thời gian tới sẽ hết, khi việc thực thi Nghị quyết 128 và các hướng dẫn thuần thục hơn. Đây là thời điểm để nói về kế hoạch hồi phục”, ông Trần Đức Nghĩa, Giám đốc Công ty Delta International nói.

Đặc biệt, sau giai đoạn buộc phải tiết giảm lao động, nhiều doanh nghiệp đã thay đổi quản trị, quy trình quản lý, điều hành. Có doanh nghiệp ngành dệt cho biết, hiện tại, nhu cầu lao động của họ chỉ còn 300 người, thay vì 450 người như trước dịch, bởi năng suất lao động đã tăng lên đáng kể.

Khó khăn trước mắt là lao động

“Lao động vẫn đang là vấn đề khó khăn nhất, nhất là đối với doanh nghiệp sản xuất, với nhóm lao động có tay nghề, kỹ năng, không dễ thay thế”, ông Việt Anh nói.

Đợt khảo sát 400 doanh nghiệp TP. Thủ Đức vào tuần trước cho thấy, tỷ lệ lao động quay trở lại nhà máy chỉ khoảng 30%, chủ yếu là những người có nhà tại khu vực TP.HCM.

Việc quay trở lại của nhóm lao động đã về quê đang phát sinh vướng mắc, cho dù người lao động có nhu cầu khi doanh nghiệp liên hệ. Lý do, theo ông Việt Anh, là nhiều người lao động chưa được tiêm vắc-xin (với nhóm về vào tháng 7/2021), tiêm được 1 mũi (nhóm về đợt giữa tháng 8/2021), không đủ điều kiện qua nhiều chốt phòng dịch khi trở lại TP.HCM, như chốt ở ngã 7 Phụng Hiệp, cầu Cần Thơ, Ngã ba Trung Lương...

“Chúng tôi có nhà máy ở TP.HCM và Hậu Giang, nhưng các chuyên gia, kỹ thuật viên đi lại giữa hai nhà máy này vẫn khó”, ông Việt Anh cho biết.

Tình hình này được dự báo sẽ đẩy chi phí lao động của doanh nghiệp lên cao trong thời gian tới, nhất là quý IV - cao điểm cho các đơn hàng cuối năm, là cơ sở để bàn thảo hợp đồng cho năm tới.

Mặc dù các doanh nghiệp ngành gỗ lạc quan hơn, đang dự tính số lao động quay lại có thể đạt 60%, nhưng ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) dự tính, hai tháng cuối năm sẽ là giai đoạn căng thẳng về lao động, nhiều doanh nghiệp sẽ chấp nhận trả lương cao hơn để có đủ lao động cho kế hoạch sản xuất cuối năm.

Nhu cầu cấp bách là hỗ trợ lao động và dòng tiền

Cho đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp cho biết, họ đã chủ động liên hệ với người lao động đã về quê, cam kết tiêm vắc-xin, hỗ trợ chỗ ở, có chuyến xe 0 đồng đưa lao động về nhà máy... Tỷ lệ người lao động muốn trở lại khá cao. Ông Đỗ Xuân Lập thông tin khảo sát của Công ty Phú Tài Đồng Nai cho biết, khoảng 60-70% số lao động đã về miền Tây muốn trở lại ngay khi doanh nghiệp mở cửa.

“Người lao động sau khi về nhà 2-3 tuần, ổn định tâm lý, phần lớn muốn quay trở lại, vì họ muốn đi làm, bởi công việc ở quê không dễ kiếm và thu nhập có thể thấp hơn. Lúc này, chỉ cần doanh nghiệp mở lại, việc đi lại thuận lợi, chuỗi cung ứng lao động sẽ nối lại nhanh, với hy vọng có chuyển biến nhanh trong tháng 11/2021”, ông Lập nói.

Thực tế, với doanh nghiệp quy mô lớn, dù khó khăn, nhưng vẫn có nguồn lực hỗ trợ người lao động, nên thuận lợi hơn trong việc kêu gọi người lao động. Doanh nghiệp nhỏ và vừa khó khăn hơn nhiều trong cả việc tiếp cận vốn và tìm lại nguồn lao động cần thiết.

Trong khi đó, nhu cầu của người lao động đã thay đổi rất lớn sau những ám ảnh dịch bệnh ở khu nhà trọ chật chội. Theo ông Trần Việt Anh, người lao động đòi hỏi an toàn hơn, chăm sóc y tế tốt hơn, chỗ ở rộng rãi hơn...

“Đây là lý do để chính sách với người lao động cũng như hỗ trợ doanh nghiệp phải thay đổi. Chúng tôi rất mừng là Bộ Xây dựng, TP.HCM đã đưa ra chính sách hỗ trợ nhà ở cho người lao động, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho công nhân. Theo tôi, đây phải là chính sách ưu tiên, thực hiện gấp trong giai đoạn này”, ông Việt Anh đề nghị.

Tuy nhiên, trước mắt, các giải pháp hỗ trợ dòng tiền cho doanh nghiệp, giảm lãi suất cho vay thông qua tiết giảm chi phí hoạt động của ngân hàng, có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp mạnh mẽ hơn như hỗ trợ tín dụng... đang được chờ đợi nhất và hy vọng sẽ kịp tiếp sức cho các doanh nghiệp đưa lao động trở lại.

Chính sách hỗ trợ đào tạo lại lao động cũng đang được đề nghị trích kinh phí cho doanh nghiệp, để doanh nghiệp tự đào tạo, cập nhất kỹ năng cho doanh nghiệp, thay vì chỉ dành cho các cơ sở đào tạo nghề.

https://baodautu.vn

Các tin khác