Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 10

  • Hôm nay 3261

  • Tổng 4.226.460

Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Phong phú đa dạng
Dễ sử dụng
Hữu ích

118 người đã tham gia bình chọn

Nghị định 35 tạo bước đột phá thu hút đầu tư, phát triển khu công nghiệp

Ngày đăng: 28/06/2022

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Nghị định số 35/2022/NĐ-CP sẽ tạo bước đột phá trong thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài vào hàng trăm khu công nghiệp và khu kinh tế của cả nước.

Đánh giá về tác động của Nghị định 35/2022 của Chính phủ ban hành ngày 28/5/2022 về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế sau gần một tháng, ông Nguyễn Văn Bé - Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp Khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HBA) cho biết: Về tổng quan, có thể nói Nghị định 35 của Chính phủ với 69 trang quy định về quản lý khu công nghiệp - khu kinh tế như nhận được "trận mưa rào qua bao năm hạn hán". Nghị định này như bước đột phá về cơ chế chính sách kinh tế, kịp thời tháo gỡ các nút thắt, các bất cập, chồng chéo trong cơ chế chính sách kinh tế, trong thủ tục hành chính, trong quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế.

Nghị định 35 tạo bước đột phá thu hút đầu tư, phát triển khu công nghiệp

Nghị định số 35/2022 được Chính phủ ban hành được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá thu hút đầu tư, phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế trong thời gian tới

Theo ông Nguyễn Văn Bé, trong hơn 3 năm gần đây, hơn phân nửa các thủ tục hành chính rườm rà đã được cắt bỏ, đặc biệt hơn phân nửa các điều kiện kinh doanh đã được bãi bỏ. Thế nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập khó khăn trong đầu tư, kinh doanh, xuất nhập khấu.

Nghị định 35 của Chính phủ với sự đóng góp tham mưu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương cùng nhiều Bộ ngành khác chắc chắn sẽ tạo chuyển biến tích cực của hàng trăm khu công nghiệp và khu kinh tế của cả nước, tạo sức hút mạnh mẽ trong thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài.

Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp Khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh cũng cho rằng, Nghị định 35 chưa thể đáp ứng hoàn hảo từ thực tiễn phát triển, nhưng đã có giải pháp cho nhiều vấn đề mấu chốt, mở ra một hành lang pháp lý thông thoáng và có một số chủ trương tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp và đầu tư.

Đơn cử như tại Chương 2 điều 9, các khu công nghiệp và khu kinh tế phải giành ít nhất 5ha hoặc 3% diện tích đất công nghiệp cho phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Hay Chương 6 điều 28 một số vấn đề kể cả về tài nguyên môi trường, giao quyền cho Ban quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế về xác nhận xuất xứ hàng hóa, điều chỉnh cục bộ các Khu về quy hoạch đã phê duyệt…

Theo Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp Khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, Nghị định 35 đã đẩy mạnh phân cấp phân quyền về cho chính quyền các cấp và cơ sở, tiếp cận với cơ chế "một cửa, tại chỗ". Cụ thể, đối với Ban quản lý các Khu công nghiệp, khu kinh tế được giao nhiệm vụ, được ủy quyền cụ thể trên từng loại hình, công việc gần như "một cửa" nhưng cụ thể hơn trước đây.

Đặc biệt, nhiều vấn đề được Nghị định 35 đề cập và có giải pháp, quy định cụ thể như trong khu công nghiệp có doanh nghiệp chế xuất, phương thức xuất khẩu tại chỗ; trong khu chế xuất có doanh nghiệp dịch vụ, doanh nghiệp công nghiệp chuyên biệt... Cùng với đó là các vấn đề về chuyển đổi đất nông nghiệp qua công nghiệp, khu lưu trú và nhà ở công nhân...

Mặc dù đánh giá rất cao việc ban hành Nghị định số 35/2022 của Chính phủ sẽ tạo ra cơ hội, bước đột phá trong phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế. Tuy nhiên ông Nguyễn văn Bé nhìn nhận Nghị định 35 chưa thể là "Cây đũa thần" giải quyết hoàn hảo mọi việc. Để Nghị định đi vào thực tiễn có hiệu quả, chính quyền các cấp và kể cả Ban quản lý các Khu phải có quyết tâm chính trị, mạnh dạn quán triệt triển khai, nhất là khâu phân cấp, phân quyền, giao nhiệm vụ và ủy quyền.

Mặt khác, để góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và thúc đẩy thu hút đầu tư hơn nữa vào các khu công nghiệp, khu kinh tế, Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp Khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh kiến nghị: Về lâu dài cần tổng kết, đúc kết để hình thành "Luật về quản lý khu công nghiệp - khu kinh tế". Vì Luật là cơ sở pháp lý bền vững ổn định cho hơn 400 khu công nghiệp - khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu của cả nước. Một khu vực đã được đầu tư trên 200 tỷ USD với hơn 4 triệu công nhân lao động và hàng chục ngàn nhà máy đang hoạt động.

Riêng về TP. Hồ Chí Minh, sau 30 năm xây dựng và phát triển khu chế xuất – khu công nghiệp, đến nay TP. Hồ Chí Minh đã hình thành 18 khu chế xuất - khu công nghiệp và khu công nghệ cao, trong đó nhiều khu đã có tuổi thọ 20 năm, 25 năm và 30 năm. Do vậy, kiến nghị Chính phủ cho phép gia hạn thời gian thêm là 20 năm, nhất là các khu đang "lột xác" phát triển công nghệ 4.0. Ngoài ra, thực trạng TP. Hồ Chí Minh chỉ mới lấp đầy 2.700 ha nhà máy công nghiệp trên 7.000 ha đã quy hoạch đất công nghiệp nhưng chưa được giao. Mặt bằng đang là vấn đề cấp bách để thành phố đón nhận đầu tư.

Trước những bất cập, tồn tại của Nghị định số 82/2018/NĐ-CP (Nghị định 82) quy định về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế, ngày 28/5/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 35/2022/NĐ-CP (Nghị định 35).

Cụ thể, Nghị định 35 gồm 08 Chương, 76 Điều, quy định những vấn đề chung; đầu tư hạ tầng, thành lập khu công nghiệp, khu kinh tế; chính sách phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế; một số loại hình khu công nghiệp và khu công nghiệp - dịch vụ - đô thị; hệ thống thông tin quốc gia về khu công nghiệp, khu kinh tế; quản lý nhà nước đối với khu công nghiệp, khu kinh tế; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế; và điều khoản thi hành.

Sưu tầm

Nguồn: https://congthuong.vn/nghi-dinh-35-tao-buoc-dot-pha-thu-hut-dau-tu-phat-trien-khu-cong-nghiep-181399.html

Các tin khác