Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 1

  • Hôm nay 284

  • Tổng 4.218.925

Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Phong phú đa dạng
Dễ sử dụng
Hữu ích

118 người đã tham gia bình chọn

Chậm hoàn thuế, nhiều doanh nghiệp sẽ phải tuyên bố phá sản

Ngày đăng: 31/03/2023

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Quy trình hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) hiện đang kéo rất dài và không có thời hạn cụ thể khiến doanh nghiệp bị động, số tiền chờ hoàn thuế lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Nếu còn kéo dài, nhiều doanh nghiệp sẽ phải tuyên bố phá sản.

Đẩy hết rủi ro cho khâu sản xuất, xuất khẩu

Chủ một doanh nghiệp xuất khẩu gỗ dăm có văn phòng đặt tại Hải Phòng cho biết, từ tháng 4.2022, doanh nghiệp đã nộp hồ sơ đề nghị được hoàn thuế VAT lên cơ quan thuế song hiện “vẫn chưa được hoàn một đồng nào”. “Chúng tôi cũng đã gửi kiến nghị lên Tổng cục Thuế, họ hứa sẽ cố gắng thay đổi sớm để hoàn thuế cho doanh nghiệp nhưng đến giờ vẫn chưa thấy gì”. Hệ quả là, hàng trăm tỷ đồng tiền thuế của doanh nghiệp từ quý IV.2021 vẫn đang chờ được hoàn.

Cạn kiệt dòng tiền vì đơn hàng sụt giảm, khó tiếp cận vốn tín dụng từ ngân hàng, trong khi tiền hoàn thuế đang bị kẹt lại và chưa biết khi nào mới được giải quyết, chủ doanh nghiệp này cho biết “đang xem xét đến khả năng đóng cửa” vì “không còn sức cầm cự thêm”.

Tương tự, Công ty TNHH Tân Tiến Thành cũng đang chờ được hoàn số tiền thuế VAT lên tới 130 tỷ đồng, tính từ đầu năm 2021. “Chúng tôi không thể trả nợ vì tất cả kẹt hết vào tiền hoàn thuế chờ”, đại diện doanh nghiệp chia sẻ.

Theo phản ánh của doanh nghiệp ngành gỗ, sự khó khăn trong hoàn thuế VAT là do Tổng cục Thuế yêu cầu ngoài hồ sơ theo quy định của Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản, chủ rừng phải cung cấp sổ đỏ diện tích khai thác; chứng minh thư nhân dân của chủ sở hữu; đơn xin khai thác được chính quyền địa phương xác nhận. Trong khi đó, nhiều diện tích rừng trồng của người dân chưa có sổ đỏ nên bị tính là gỗ không hợp pháp và doanh nghiệp không được hoàn thuế nếu mua gỗ từ các rừng trồng này.

Bức xúc của các doanh nghiệp ngành gỗ, đặc biệt là gỗ dăm, liên quan đến hoàn thuế đã được Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng) tiếp nhận. Trong Báo cáo tổng hợp phản ánh, kiến nghị của các doanh nghiệp, hiệp hội quý I.2023 vừa gửi Thủ tướng hôm 28.3, Ban IV cho biết: quy trình hoàn thuế VAT kéo rất dài và không có thời hạn cụ thể khiến doanh nghiệp bị động. Số tiền chờ hoàn của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu dăm gỗ và sản phẩm từ gỗ lên đến hàng nghìn tỷ đồng, trở thành điểm nghẽn, tạo ra áp lực về dòng tiền đối với doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh đơn hàng xuất khẩu sụt giảm, tiếp cận vốn khó khăn và lãi suất cao như hiện nay. “Nếu tình trạng còn kéo dài, nhiều doanh nghiệp sẽ phải tuyên bố phá sản”, Ban IV nêu.

Cũng theo Ban IV, mục tiêu giám sát nguồn gốc gỗ ở khâu người trồng để bảo đảm gỗ đưa vào phục vụ sản xuất là từ rừng trồng hợp pháp trong nước, ngăn chặn gỗ nhập lậu và gỗ bất hợp pháp là đúng đắn. Tuy nhiên, việc áp dụng quy trình giám sát dàn trải, nhiều khâu trong xét hoàn thuế là “không phù hợp với thực tiễn cũng như chưa phản ánh đúng mục tiêu quản lý thuế và đẩy hết rủi ro từ khâu trồng rừng (chưa phát sinh thuế) hoặc các khâu mua bán gỗ nguyên liệu cho khâu sản xuất, xuất khẩu.

Chính cách làm hiện nay dẫn tới thực trạng rất nóng vừa qua là sau khi cơ quan chức năng phát hiện sai phạm ở khâu rừng trồng và mua bán gỗ nguyên liệu tại một địa phương phía Bắc, tất cả các doanh nghiệp nhóm “nhà mua” nguyên liệu chế biến gỗ đã thông báo đồng loạt dừng nhập nguyên liệu “gỗ đầu vào cho sản xuất” ở các tỉnh phía Bắc, ảnh hưởng tức thì đến chuỗi cung ứng và sản xuất, kinh doanh cũng như đời sống của người lao động và hàng trăm hộ gia đình trồng rừng - Báo cáo của Ban IV cho biết.

Description: Khó khăn trong truy xuất nguồn gốc gỗ, nhiều doanh nghiệp chưa được hoàn thuế lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Ảnh ITN

Khó khăn trong truy xuất nguồn gốc gỗ, nhiều doanh nghiệp chưa được hoàn thuế lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Nguồn: ITN

Nên phân loại doanh nghiệp để hoàn thuế

Cơ chế hoàn thuế VAT thể hiện mục tiêu khuyến khích của Nhà nước với các hoạt động sản xuất, xuất khẩu và đầu tư. Số thuế hoàn lại sẽ hỗ trợ doanh nghiệp về dòng tiền, bảo đảm tâm lý an tâm cho doanh nghiệp khi thực hiện nghĩa vụ về thuế.

Do vậy, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt trong ngành gỗ được hoàn thuế, các doanh nghiệp đề xuất, trước hết, Bộ Tài chính cần có quy định để phân loại doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hoàn thuế VAT theo hướng: đối với các doanh nghiệp hoạt động lâu năm, có uy tín trong kinh doanh, thì cho phép doanh nghiệp hoàn thuế trước, kiểm tra sau (hậu kiểm) để không bị gián đoạn sản xuất. Dựa trên kết quả kiểm tra sau, xử phạt nghiêm các doanh nghiệp vi phạm để phân biệt và không làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật. Đối với doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng có tính rủi ro cao, thì thực hiện kiểm tra, xác minh trước sau đó mới tiến hành hoàn thuế.

Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Đỗ Xuân Lập nêu ý kiến, không thể vì 1 hoặc 2 doanh nghiệp làm sai mà để hàng nghìn doanh nghiệp với hàng nghìn tỷ đồng bị tồn đọng làm chậm tình hình tài chính của doanh nghiệp.

Cùng với đó, theo doanh nghiệp, các cơ quan chức năng cần phối hợp đánh giá lại khâu nguy cơ cao về gian lận thuế trong chuỗi để giám sát tập trung; xem xét làm rõ trách nhiệm của từng doanh nghiệp/hộ kinh doanh trong chuỗi và hình thức xử phạt với các doanh nghiệp/hộ kinh doanh trực tiếp vi phạm thay vì dồn chế tài vào doanh nghiệp ở khâu sản xuất cuối cùng.

“Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế), các bộ chuyên ngành tiến hành các hoạt động đối thoại trọng tâm với doanh nghiệp ngay trong quý II và/hoặc rà soát theo chuyên đề để báo cáo Chính phủ các chính sách, quy định hiện hành hiện gây khó khăn, vướng mắc trong thực thi, hoặc chưa theo sát với xu hướng chính sách, quy định quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh thị trường toàn cầu có nhiều diễn biến phức tạp thời kỳ hậu Covid-19..., từ đó cân nhắc các kế hoạch điều chỉnh, sửa đổi tổng thể để tạo đà cho doanh nghiệp phục hồi, bứt phá, tiếp tục hội nhập”, Ban IV đề xuất.

Đan Thanh

https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/cham-hoan-thue-nhieu-doanh-nghiep-se-phai-tuyen-bo-pha-san-i320918/

Các tin khác