Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 9

  • Hôm nay 2691

  • Tổng 4.225.889

Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Phong phú đa dạng
Dễ sử dụng
Hữu ích

118 người đã tham gia bình chọn

Thu hút đầu tư tạo động lực để kinh tế Quảng Bình bứt phá

Ngày đăng: 25/03/2022

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Cải thiện môi trường đầu tư, thu hút doanh nghiệp đến với địa phương chính là động lực để kinh tế tỉnh Quảng Bình bứt phá.

Quảng Bình mong muốn mời gọi nhà đầu tư vào các lĩnh vực thế mạnh của tỉnh như du lịch, dịch vụ

Quảng Bình mong muốn mời gọi nhà đầu tư vào các lĩnh vực thế mạnh của tỉnh như du lịch, dịch vụ.

Trái ngọt trong thu hút đầu tư

Quảng Bình là một trong những tỉnh miền Trung đang thu hút lượng lớn dòng vốn đầu tư.

Năm 2021, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 4,83% so với năm 2020; tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2021 ước thực hiện 23.610 tỷ đồng, tăng 7,8%.

Trong năm 2021, tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư 48 dự án (cả trong nước và FDI), tổng vốn đầu tư là 3.050 tỷ đồng, còn trong 2 tháng đầu năm 2022, UBND tỉnh Quảng Bình đã phê duyệt chủ trương đầu tư  9 dự án trong nước (5 dự án  trong KKT và 4 dự án ngoài KKT) tổng vốn đầu tư là 598 tỷ đồng.

Thời gian qua, UBND tỉnh Quảng Bình đã sát cánh cùng với các cơ quan ngoại giao để thực hiện nhiều chương trình xúc tiến đầu tư như: Tọa đàm trực tuyến giữa Đoàn đại sứ, Tổng lãnh sự Việt Nam tại nước ngoài nhiệm kỳ 2021 - 2024 với lãnh đạo các địa phương khu vực miền Trung và Tây Nguyên, do Bộ Ngoại giao tổ chức; làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam khu vực miền Trung về các dự án kêu gọi đầu tư và các đề xuất hợp tác trong tương lai; tham dự Diễn đàn Nhịp cầu phát triển 2021, do Cục Ngoại vụ (Bộ Ngoại giao) phối hợp với Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức tại Hà Nội; tham gia Hội thảo Thúc đẩy hợp tác nông nghiệp Việt Nam - châu Phi…

Đặc biệt, để đẩy mạnh kết nối giữa các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu, đầu tư, UBND tỉnh Quảng Bình đã phối hợp với Cục Ngoại vụ, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam tổ chức Tọa đàm Kết nối Quảng Bình - Hàn Quốc 2021.

Nhờ tích cực quảng bá, kết nối, xúc tiến quan hệ hữu nghị, hợp tác đầu tư, nên hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 27 dự án FDI đang triển khai hoạt động với tổng vốn đăng ký đầu tư là 1.133,67 triệu USD. Đặc biệt, với sự xuất hiện của những dự án động lực như Dự án Trang trại điện gió BT2 - giai đoạn II thuộc Dự án Cụm trang trại điện gió B&T, với tổng vốn đăng ký 55,09 triệu USD; cụm dự án FLC Quảng Bình với quy mô 2.000 ha, tổng mức đầu tư 20.000 tỷ đồng…, đã và đang giúp Quảng Bình có vị thế, tạo sức bật cho kinh tế địa phương bứt phá.

Bên cạnh đó, trong hội nhập kinh tế, Quảng Bình có 2 cặp cửa khẩu tiếp giáp với Lào là Cửa khẩu quốc tế Cha Lo và Cửa khẩu phụ Cà Roòng, đang tạo hiệu ứng tích cực khi lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh năm 2021 đạt 1.737 triệu USD, tăng 60% so với năm 2020; cảng Hòn La với lưu lượng hàng hóa đạt 356 triệu USD, tăng 127% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó xuất khẩu 70 triệu USD, tăng 30%, nhập khẩu 279 triệu USD, tăng 195%...

“Với tiềm năng của mình, Quảng Bình mong muốn mời gọi nhà đầu tư vào các lĩnh vực thế mạnh của tỉnh là du lịch, dịch vụ như du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thám hiểm; kêu gọi đầu tư nhà máy sản xuất tại các khu công nghiệp, khu kinh tế và đầu tư cơ sở hạ tầng đánh bắt, chế biến thủy sản; đầu tư các nhà máy chế biến gỗ rừng trồng, nông nghiệp công nghệ cao”, ông Hồ An Phong, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình nói.

Cũng theo ông Phong, mặc dù kêu gọi đầu tư, nhưng không phải bất kỳ dự án nào cũng được chào đón, mà Quảng Bình vẫn có sự lựa chọn phù hợp. Theo đó, ưu tiên nhà đầu tư có tiềm năng để thực hiện những dự án trọng tâm, trọng điểm, có khả năng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, khai thác tiềm năng và lợi thế địa phương, đặc biệt phải bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

Tại cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Bình cuối năm 2021 xung quanh giải pháp phục hồi kinh tế, kiến tạo đổi mới để giúp địa phương hoạt động hiệu quả trong trạng thái bình thường mới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu:  “Quảng Bình có nhiều cơ hội nổi trội, tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh, có cơ bản những điều kiện cần và đủ để phát triển”.

Một cảnh du lịch tại Thác gió, Quảng Bình Ảnh: Thành Vương

Một cảnh du lịch tại Thác gió, Quảng Bình. Ảnh: Thành Vương

Trải thảm đỏ mời sếu đầu đàn

Để phát huy những tiềm năng, thế mạnh của vùng đất Quảng Bình về du lịch, dịch vụ và những thế mạnh được thiên nhiên ban tặng, tỉnh Quảng Bình đã có chủ trương kêu gọi đầu tư thông qua Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào Quảng Bình, tổ chức tại TP.HCM ngày 25/3 tới.

Theo ông Hồ An Phong, Quảng Bình mời chào và sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho tất cả các nhà đầu tư đến để tìm hiểu, nghiên cứu và đầu tư vào tỉnh.

Là một trong những địa phương có nhiều thuận lợi trong thu hút đầu tư khi nằm ở vị trí chiến lược quan trọng trên trục Hành lang kinh tế Đông - Tây, có Quốc lộ 12A - con đường ngắn nhất nối Việt Nam với nước bạn Lào, Thái Lan và Myanmar với Cửa khẩu quốc tế Cha Lo và Nà Phàu. Đây là cửa ngõ phía Đông của cả vùng Trung Lào, Đông Bắc Thái Lan và Myanmar, rất thuận tiện cho việc giao thương, đi lại với các nước trong khu vực.

“Nhận thức được tầm quan trọng của công tác thu hút đầu tư, tỉnh Quảng Bình đã thực hiện đồng bộ các giải pháp, góp phần tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch, đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn”, ông Phan Phong Phú, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Bình bày tỏ.

Hiện nay, với sự góp mặt của nhiều nhà đầu tư FDI đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ như Ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Đức…, cùng những nhà đầu tư lớn trong nước như Tập đoàn FLC, Tập đoàn Mường Thanh, Vingroup, TMS, Đất Xanh Miền Trung, đã và đang tạo đà để kinh tế Quảng Bình bứt phá.

https://baodautu.vn/thu-hut-dau-tu-tao-dong-luc-de-kinh-te-quang-binh-but-pha-d162638.html

Các tin khác