Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 6

  • Hôm nay 2194

  • Tổng 4.225.392

Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Phong phú đa dạng
Dễ sử dụng
Hữu ích

118 người đã tham gia bình chọn

Dệt may 'trong cái khó, ló cái khôn'

Ngày đăng: 23/05/2023

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Dù đã đến cuối tháng 5 song các doanh nghiệp dệt may vẫn đang phải đối diện với nhiều khó khăn khi cầu tiêu dùng giảm, thị trường chưa có tín hiệu khởi sắc. Tuy nhiên, trong cái khó đã 'ló cái khôn'.

Cộng đồng doanh nghiệp dệt may đang nỗ lực vượt qua giai đoạn khó khăn. Nguồn: VITAS.

Cộng đồng doanh nghiệp dệt may đang nỗ lực vượt qua giai đoạn khó khăn. Nguồn: VITAS.

Thông tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may 4 tháng đầu năm nay đạt 11,7 tỷ USD, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2022. Ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Vitas cho biết, sở dĩ kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh vì trong 4 tháng qua các doanh nghiệp (DN) sợi không có cầu, giá bán sợi chưa thể cải thiện trong ngắn hạn. Trong khi đó DN may thiếu đơn hàng, giá gia công giảm mạnh 20 - 50%.

Kinh doanh tiếp tục gặp khó khăn

Kết quả báo kinh doanh quý I của những “ông lớn” ngành dệt may cũng cho thấy, hầu hết các DN đều giảm lãi thậm chí báo lỗ. Cụ thể, May Sông Hồng giảm một nửa doanh thu trong quý I, và giảm 67% lợi nhuận sau thuế.

Một số DN có tăng trưởng doanh số nhưng rất ít. Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.334 tỷ đồng, tăng nhẹ 5,6% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 40 tỷ đồng, tăng 5%. Tiếp đến, Tổng Công ty May 10 đạt 881 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 3% so với cùng kỳ; lãi sau thuế đạt 23,2 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước...

Trong báo cáo gần đây về ngành dệt may, VnDirect cho rằng các DN gia công may mặc sẽ gặp nhiều thách thức hơn trong năm 2023 do đơn hàng giảm mạnh. Do đó, khả năng phải đến quý IV/2023, các DN gia công may mặc mới có thể phục hồi khi lạm phát tại Mỹ và EU hạ nhiệt.

Thực tế phản ánh từ các DN cho biết, chưa bao giờ DN dệt may đối diện với tình trạng đơn hàng giảm nghiêm trọng và đột ngột như thời gian qua. Đơn hàng chỉ tính theo tháng và hầu hết các DN không có quyền lựa chọn khách hàng như những năm trước. Thậm chí nhiều DN chấp nhận làm gia công không có lãi để duy trì việc làm cho người lao động.

“Ở thời điểm này, chúng tôi không có quyền lựa chọn, tất cả những sản phẩm có thể sản xuất, chúng tôi đều nhận, không phân biệt hàng cao cấp hay thấp cấp. Điều quan trọng lúc này là duy trì sản xuất và giữ chân lao động, chờ thị trường phục hồi” - đại diện Tổng công ty May 10, cho biết.

Tương tự, đại diện Hiệp hội Dệt may tỉnh Thanh Hóa cho biết, bước sang quý II/2023, các DN vẫn đang phải đối diện với nhiều khó khăn khi nhu cầu giảm, thị trường chưa có tín hiệu khởi sắc. Khoảng 30% DN dệt may trên địa bàn tỉnh đang khát đơn hàng, buộc phải giảm giờ làm, giảm lao động. Hầu hết các DN có lượng đơn hàng sụt giảm từ 25 - 30% so với cùng kỳ.

Nỗ lực cải tiến quy trình

Cùng với những khó khăn do thiếu hụt đơn hàng, ngành dệt may đang chịu sức ép về quy định truy xuất nguồn gốc nguyên phụ liệu ở nhiều khâu trong chuỗi cung ứng. Xanh hóa sản xuất đã trở thành một yêu cầu bắt buộc với ngành dệt may để đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thế giới.

Các thị trường xuất khẩu hàng may mặc lớn của Việt Nam đang ngày càng đòi hỏi khắt khe về chất lượng sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ của nguyên phụ liệu cấu thành sản phẩm. Nhiều thị trường xuất khẩu lớn của dệt may Việt Nam như Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc... đã có những quy định liên quan đến quy trình sản xuất thân thiện với môi trường. Không chỉ vậy, các nhãn hàng lớn trên thế giới như Adidas cũng đưa ra yêu cầu cụ thể với các bên trong chuỗi cung ứng từ nguyên liệu, công nghệ, năng lượng sạch... Các nguyên liệu mới cấu thành sản phẩm phải là nguyên liệu có hàm lượng phát triển bền vững và được sản xuất từ dây chuyền phát thải carbon thấp

Để vượt qua khó khăn, hiện các DN dệt may cũng đang nỗ lực cải tiến quy trình hoạt động, đầu tư công nghiệp, hướng đến phát triển bền vững. Đồng thời, xúc tiến thương mại, hướng đến các thị trường ngách cũng được các DN Việt Nam khai thác tối đa và hiệu quả.

Ông Trịnh Xuân Lâm - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Chúng tôi đã xác định các đơn hàng, giá gia công sẽ bị cắt giảm nên đã có kế hoạch tìm kiếm thêm đơn hàng nội địa và khai thác các đơn hàng trong khối ASEAN và khu vực châu Á”. Tương tự, Công ty TNHH Việt Thắng Jeans (VitaJean) đã định vị lại về sản phẩm, thị trường, thậm chí khai thác thêm các thị trường ngách, sản phẩm ngách. Đáng chú ý, Việt Thắng Jean đã sử dụng các ứng dụng trực tuyến, thương mại điện tử để trao đổi, gửi mẫu tới khách hàng, vừa tiết kiệm chi phí, vừa tiết kiệm thời gian, khách hàng cũng dễ dàng đánh giá và điều chỉnh mẫu hơn trước.

Nhiều ý kiến đề xuất để ngành dệt may vượt qua thách thức lấy lại đà phục hồi, Chính phủ cần có thêm những chính sách hỗ trợ; tiếp tục duy trì chính sách thuế VAT 8%, có giải pháp hỗ trợ người lao động, chính sách ưu đãi về giá điện, than, vận tải, xăng dầu, dịch vụ cảng biển... Cần sớm có quy hoạch phát triển năng lực chủ động nguồn cung nguyên phụ liệu trong nước giúp các DN dệt may bớt phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, bảo đảm các tiêu chí truy xuất nguồn gốc để có thể tận dụng được cơ chế ưu đãi của các hiệp định thương mại (FTA), từ đó tạo ra sức cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Khanh Lê

https://baomoi.com/det-may-trong-cai-kho-lo-cai-khon/c/45890577.epi

Các tin khác