Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 7

  • Hôm nay 1525

  • Tổng 4.310.365

Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Phong phú đa dạng
Dễ sử dụng
Hữu ích

118 người đã tham gia bình chọn

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất 5 nhóm giải pháp tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023

Post date: 25/11/2021

Font size : A- A A+

(MPI) - Chiều ngày 23/11/2021, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã chia sẻ một số thông tin liên quan tới quá trình xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương. Ảnh: Minh Trang (MPI)

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thành dự thảo Đề án Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023 trình Chính phủ cho ý kiến thông qua để triển khai các bước tiếp theo trình các cấp có thẩm quyền, đó là trình Bộ Chính trị cho ý kiến về chủ trương, đường hướng và trình Quốc hội để xem xét thông qua các giải pháp, cơ chế chính sách, đặc biệt là các giải pháp, chính sách liên quan đến tài khóa và tiền tệ thuộc đến thẩm quyền của Quốc hội.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, đặc biệt là các cơ quan trong tổ điều hành vĩ mô là Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và Văn phòng Chính phủ để hoàn thiện báo cáo có chất lượng để trình các cấp có thẩm quyền.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, có 05 nhóm chính sách được đề xuất tại Chương trình. Thứ nhất, chính sách về phòng, chống dịch bệnh và y tế. Trong đó, về phòng, chống dịch bệnh có hai nội dung chính liên quan đến các giải pháp thực hiện quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", để thực hiện được các mục tiêu này thì có rất nhiều nhiệm vụ cần phải thực hiện liên quan đến vắc-xin, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như xét nghiệm, cách ly và điều trị. Tất cả các giải pháp này đều cần đến kinh phí và đều được thể hiện trong gói chính sách về tài khóa và tiền tệ để đáp ứng yêu cầu về phòng, chống dịch. Đây là nhiệm vụ hàng đầu và theo quan điểm chung đây là điều kiện tiên quyết để có thể thực hiện các nhóm giải pháp khác.

Trong các giải pháp của nhóm thứ nhất, có một giải pháp quan trọng mang tính dài hơi hơn liên quan đến nâng cao năng lực y tế và hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế, đặc biệt là y tế dự phòng và y tế cơ sở. Bài học kinh nghiệm trong đợt chống dịch vừa qua cho thấy, phòng, chống dịch hiệu quả tại hệ thống y tế cơ sở rất quan trọng, để nâng cao được năng lực về phát hiện dịch, các ứng xử ban đầu đối với bệnh nhân và hệ thống y tế tuyến trên chỉ tập trung vào các bệnh nhân nặng để hạn chế tối đa tỉ lệ tử vong do nhiễm COVID-19. Đây là giải pháp không thể thực hiện trong một sớm một chiều vì ngoài vấn đề về vật chất như cơ sở y tế, trang thiết bị máy móc còn có cần đào tạo về con người với số lượng đáp ứng yêu cầu thì đòi hỏi phải có thời gian.

Nhóm giải pháp thứ hai về an sinh xã hội, quan điểm chính của nhóm giải pháp này liên quan đến quan điểm tổng thể của Đề án phục hồi kinh tế đó là, đối với tất cả các chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta luôn song hành phát triển bền vững, phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường. Do vậy, trong thời gian dịch bệnh vừa qua quan điểm của Đảng, Nhà nước được thể hiện rõ, an sinh xã hội là mục tiêu trọng tâm trong phát triển bền vững, mặc dù dịch bệnh xảy ra, nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn trong các hoạt động nhưng công tác an sinh xã hội vẫn được đảm bảo, còn có những giải pháp mang tính hỗ trợ thêm đối với những đối tượng bị ảnh hưởng và gặp rất nhiều khó khăn. Trong nhóm giải pháp này, nhiều nhóm đối tượng bị ảnh hưởng được nghiên cứu và mở rộng thêm, trong đó có đề cập đến các đối tượng như công nhân trong khu công nghiệp để lôi kéo, giữ chân, hấp dẫn công nhân quay trở lại làm việc. Đồng thời, tạo điều kiện cho những lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu kinh tế có điều kiện ăn ở, sinh hoạt đảm bảo cuộc sống lâu dài. Trong nhóm giải pháp thứ hai này cũng có các giải pháp về tiền tệ là cho vay ưu đãi đối với các đối tượng, trong đó tập trung thêm vào nhóm đối tượng học sinh, sinh viên, các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học…

Liên quan đến nhóm giải pháp thứ ba, giải pháp về hỗ trợ doanh nghiệp, tập trung chủ yếu vào các giải pháp về tài khóa như giãn, hoãn, giảm thuế phí, lệ phí như đã thực hiện trong thời gian vừa qua sẽ được rà soát để tiếp tục thực hiện. Còn chính sách về tiền tệ, sẽ có các giải pháp về cho vay ưu đãi, cho vay thông qua công cụ hỗ trợ lãi suất để các doanh nghiệp có thêm nguồn lực cho phục hồi và phát triển.

Nhóm giải pháp thứ tư, về kích cầu đầu tư công, giải pháp này có ý nghĩa “kép” vừa kích thích chi tiêu đầu tư công tức thời trong gian đoạn ngắn để kích thích tăng trưởng, vừa có ý nghĩa lâu dài tạo ra các kết cấu hạ tầng hiệu quả cho nền kinh tế. Tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, định hướng phát triển kết cấu hạ tầng đã được xác định là một trong những trọng tâm quan trọng, cơ bản là hạ tầng lớn, hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu thì tập trung vào hạ tầng Vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Thứ trưởng chia sẻ, giải pháp về đầu tư công là giải pháp khó, đây là vấn đề trong ngắn và dài hạn, để thực hiện trong thời gian ngắn, công tác chuẩn bị phải rất tốt, dự án phải sẵn có, năng lực của nhà thầu thực hiện phải tốt, nhưng trên thực tế khi chuẩn bị dự án có rất nhiều thủ tục cần nhiều thời gian, còn đối với năng lực nhà thầu, hiện nay giá cả nguyên liệu đầu vào cho đầu tư công đang ở mức cao, không phải nhà thầu nào cũng chịu được sức ép này. Giải pháp đầu tư công trong Chương trình vừa mang ý nghĩa kích thích đầu tư phục vụ cho tăng trưởng trong ngắn hạn nhưng cũng có ý nghĩa lâu dài là phục vụ cho tăng trưởng của giai đoạn 2026-2030 và mục tiêu cao nhất là phấn đấu hoàn thành toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam.

Nhóm giải pháp thứ năm là về quản lý điều hành, đảm bảo cân đối vĩ mô, kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định và kiểm soát rủi ro. Trong nội hàm của giải pháp có một nhiệm vụ đòi hỏi sự đồng thuận cao của các bộ, ngành đó là giải pháp về cải cách hành chính. Trong đầu tư thì có đầu tư công và đầu tư ngoài nhà nước, trong đó tỉ trọng đầu tư ngoài nhà nước chiếm phần lớn, khoảng hơn 70%, tuy nhiên để khuyến khích được đầu tư ngoài nhà nước thì cải cách thủ tục hành chính là quan trọng.

Kỳ họp chuyên đề của Quốc hội dự kiến được tổ chức vào tháng 12/2021. Tại Kỳ họp, Quốc hội sẽ bàn về 05 nội dung quan trọng gồm: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 10 luật; Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; Đề án thí điểm về việc tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư; Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ; Đề án xây dựng cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ kịp thời triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội./.

Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

https://www.mpi.gov.vn

More