Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 7

  • Hôm nay 2280

  • Tổng 4.380.010

Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Phong phú đa dạng
Dễ sử dụng
Hữu ích

118 người đã tham gia bình chọn

Hợp đồng xuất khẩu rục rịch tăng, doanh nghiệp lấy lại đà tăng trưởng

Post date: 23/02/2024

Font size : A- A A+

Dường như bối cảnh kinh tế ảm đạm, khó khăn của năm 2023 đang được đẩy lùi lại phía sau khi mà ngay trong những tháng đầu tiên của năm 2024, hoạt động sản xuất - kinh doanh và xuất khẩu của doanh nghiệp khởi sắc rõ nét - trở thành điểm sáng trong bức tranh kinh tế của nước ta.

Xuất siêu 5,1 tỷ USD

Số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước tính từ đầu năm đến giữa tháng 2/2024 đạt 82,56 tỷ USD, tăng 17,1% so với cùng thời gian năm 2023.

Hợp đồng xuất khẩu rục rịch tăng, doanh nghiệp lấy lại đà tăng trưởng

Xuất khẩu của Việt Nam trên đà hồi phục

Thống kê sơ bộ trong thời gian dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 (từ ngày 8/2 - 14/2), trên phạm vi toàn quốc có hơn 1.000 doanh nghiệp Việt Nam tham gia xuất nhập khẩu hàng hóa; gần 10 nghìn tờ khai xuất nhập khẩu hàng hóa đã được đăng ký tại 116 Chi cục Hải quan với tổng trị giá hàng hóa xuất nhập khẩu của cả nước đạt 1,41 tỷ USD. Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa đạt 0,73 tỷ USD và tổng trị giá nhập khẩu hàng hóa đạt 0,68 tỷ USD.

Trong đó, xuất khẩu hàng hóa đạt tổng trị giá gần 43,83 tỷ USD, tăng 21,6% so với cùng thời gian năm ngoái và nhập khẩu hàng hóa đạt tổng trị giá 38,73 tỷ USD, tăng 12,4%. Theo đó, cán cân thương mại của Việt Nam xuất siêu 5,1 tỷ USD.

Được biết, nhóm mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện là nhóm mặt hàng có trị giá xuất khẩu lớn nhất với 282,8 triệu USD, chiếm 38,7% tổng trị giá xuất khẩu trong dịp Tết. Kế tiếp là mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt trị giá 263,6 triệu USD, chiếm 36,1%; nhóm mặt hàng máy móc, thiết bị đứng thứ 3 đạt 54,4 triệu USD, chiếm 7,5%…

Bên cạnh đó, thống kê cũng cho thấy nước ta nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ từ 59 nước, vùng lãnh thổ. Trong đó, nhập nhiều nhất từ Hàn Quốc với trị giá gần 239 triệu USD, chiếm 35,2% tổng trị giá nhập khẩu; tiếp theo hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc với 196,7 triệu USD (chiếm 29%), Campuchia từ 41,3 triệu USD (chiếm 6%)…

Doanh nghiệp thoát cảnh “chật vật vì khát đơn hàng”

Bước sang tháng 2/2024, nhiều hiệp hội, ngành hàng phấn khởi chia sẻ, sau thời gian dài doanh nghiệp chật vật vì thiếu đơn hàng thì đến nay, các hợp đồng xuất khẩu bắt đầu rục rịch tăng trở lại.

VinaCapital kỳ vọng số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong các tháng tới nhờ niềm tin của người tiêu dùng Mỹ tăng. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, do đó sự phục hồi tiêu dùng của thị trường này có tác động rất lớn đến lượng đơn đặt hàng xuất khẩu của nước ta.

Đơn cử như đối với ngành hàng chủ lực của nước ta là nông, lâm, thủy sản xuất khẩu tăng mạnh, nhiều mặt hàng đạt mức tăng đột biến như gạo, tôm, cá tra, cao su, hạt điều, rau quả, cà phê...

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, xuất khẩu rau quả ngay từ đầu năm có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là từ các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Mỹ, châu Âu.

Riêng Trung Quốc - thị trường số 1 của rau quả Việt Nam, nước ta dự kiến mở cửa thêm 2 mặt hàng mới là dừa tươi và sầu riêng đông lạnh vào thị trường này. Từ những tín hiệu tích cực như vậy, ngành rau quả tự tin với mục tiêu năm 2024 xuất khẩu cán đích 6,5 tỷ USD. Hiện các mặt hàng nông, lâm, thủy sản đang nhận được đơn hàng, hợp đồng từ nhiều thị trường mới với nhiều tiềm năng như các nước Hồi giáo Halal, Trung Đông, châu Phi...

Bước sang năm 2024, ngành sản xuất bắt đầu sôi động. Báo cáo Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 1/2024 cho thấy, chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam đạt mức 50,3 điểm, tăng so với mức 48,9 điểm của tháng 12/2023. Chỉ số này phản ánh “sức khỏe” của ngành sản xuất đã có sự cải thiện khi sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tăng trở lại.

Tương tự, hai ngành hàng xuất khẩu mũi nhọn khác là dệt may, giày dép đang dần đón nhận những đơn hàng mới. Nhiều khách hàng quốc tế đã thông báo về sự gia tăng lượng đặt hàng may mặc và giày dép từ Việt Nam để doanh nghiệp chuẩn bị.

Trao đổi với phóng viên TBTCVN về vấn đề này, ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, bước sang đầu năm 2024, nhất là từ tháng 2, các doanh nghiệp thành viên đã thoát cảnh thiếu đơn hàng, bắt đầu có đơn hàng trở lại từ các thị trường nhập khẩu truyền thống như EU, Mỹ... Vì vậy, nhiều doanh nghiệp đã tuyển thêm lao động để kịp thời đáp ứng đơn hàng xuất khẩu. "Ngành dệt may lạc quan về mục tiêu kim ngạch xuất khẩu cán đích 44 tỷ USD năm 2024", Tổng Thư ký VITAS nhấn mạnh.

Hợp đồng xuất khẩu rục rịch tăng, doanh nghiệp lấy lại đà tăng trưởng

Doanh nghiệp tuyển thêm lao động để kịp thời đáp ứng đơn hàng xuất khẩu

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, sang năm 2024, kinh tế thế giới dần phục hồi, lạm phát toàn cầu giảm dần, thị trường bắt đầu “ấm” lên, hàng tồn kho giảm nên các đối tác quay lại đặt hàng. Bên cạnh đó, không chỉ được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ của Chính phủ về cơ chế đầu tư, thuế, phí…mà còn bớt áp lực về mặt bằng lãi suất…doanh nghiệp đang có môi trường thuận lợi, tích cực để vực dậy sau khó khăn, đạt được kim ngạch xuất khẩu cao trong năm 2024./.

Sưu tầm

                   Nguồn: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/hop-dong-xuat-khau-ruc-rich-tang-doanh-nghiep-lay-lai-da-tang-truong-145383.html

More