Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 9

  • Hôm nay 3179

  • Tổng 4.246.269

Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Phong phú đa dạng
Dễ sử dụng
Hữu ích

118 người đã tham gia bình chọn

Doanh nghiệp Việt 'bỏ quên' thị trường ASEAN

Ngày đăng: 25/01/2024

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 (ĐTTCO) - Với dân số trên 680 triệu người, quy mô GDP khoảng 3.000 tỷ USD, ASEAN là thị trường nhiều tiềm năng và dư địa cho các sản phẩm xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam.

Việt Nam đang có nhiều cơ hội mở rộng xuất khẩu mặt hàng nông sản, thực phẩm sang ASEAN

Thế nhưng thị trường này chưa được doanh nghiệp (DN) Việt khai thác đúng mức.

Thị trường trong “tầm ngắm” nhiều đối tác

Năm 2024, trong khi các dự báo của các tổ chức kinh tế, tài chính về tình hình tăng trưởng kinh tế toàn cầu đều không mấy lạc quan, khu vực kinh tế ASEAN vẫn được đánh giá duy trì sự tăng trưởng ổn định và có dấu hiệu phục hồi trở lại nhanh chóng. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế 2024 của ASEAN đạt 4,7% (cao gần gấp đôi dự báo của Ngân hàng Thế giới WB là 2,4%).

Cụ thể, ADB dự báo Philippines có mức tăng trưởng cao nhất ASEAN với 6,2%, tiếp đến là Việt Nam 6%. Theo ADB, các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng các nước ASEAN là đầu tư công và chi tiêu tiêu dùng. Bên cạnh đó, sự phục hồi về xuất khẩu điện tử, công nghệ… sẽ cải thiện hơn nữa triển vọng tăng trưởng của các nước trong khu vực.

Báo cáo đánh giá của Maybank về triển vọng tăng trưởng kinh tế của khu vực ASEAN cũng rất lạc quan: “Kinh tế ASEAN 2024 - Chồi xanh nảy mầm trong một thế giới phân mảnh”. Trong đó dự báo tăng trưởng kinh tế của nhóm ASEAN-6 sẽ tăng lên 4,7% vào năm 2024 và 4,8% vào năm 2025.

Maybank cũng nhận định ASEAN sẽ chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ và cân bằng hơn vào năm nay, khi sản xuất và xuất khẩu phục hồi. Đặc biệt, sự phục hồi xuất khẩu mạnh mẽ sẽ có tác động lớn đến các nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại như Việt Nam.

Trên thực tế, thị trường 680 triệu dân với một nền kinh tế tăng trưởng năng động và sự gia tăng mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu, từ lâu đã là đích ngắm xuất khẩu của nhiều quốc gia, nổi bật nhất là Trung Quốc. Trong nhiều thập niên, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) là điểm đến hàng đầu của hàng hóa Trung Quốc.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, vị trí này đã thay đổi. Thay vào đó, ASEAN đã nổi lên vượt qua các thị trường khác để trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc.

Dư địa thị trường ASEAN cho DN Việt rất lớn, vấn đề là chính sách của Nhà nước, tư duy của DN trong tiếp cận thị trường này như thế nào.

Theo số liệu do Tổng cục Hải quan Trung Quốc vừa công bố, 2023 là năm thứ 4 liên tiếp ASEAN là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc khi tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, đạt 6.410 tỷ NDT (910 tỷ USD). Khối lượng thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN đã tăng 16,8 lần trong 20 năm, tổng đầu tư 2 chiều vượt 380 tỷ USD.

Không chỉ Trung Quốc, “miếng bánh ngon” thị trường ASEAN cũng lọt trong “tầm ngắm” của Mỹ, khi dòng vốn đầu tư (FDI) của các doanh nghiệp Mỹ trong những năm qua liên tục rót vào ASEAN, đưa Mỹ trở thành nhà đầu tư vốn FDI lớn nhất trong khu vực này (vượt qua Nhật Bản, EU và Trung Quốc).

Cần chú trọng đến thị trường ngách

Trong quan hệ thương mại với khu vực ASEAN, Việt Nam có nhiều lợi thế như khoảng cách địa lý gần gũi, thị hiếu, văn hóa có nhiều điểm tương đồng. Trong khuôn khổ hợp tác ASEAN, trong khoảng 10 năm qua Việt Nam đã tham gia và phê chuẩn nhiều hiệp định thương mại (FTA) quan trọng như các FTA hàng hóa ASEAN, dịch vụ ASEAN, đầu tư toàn diện ASEAN…

Khi tham gia các FTA này, hàng hóa Việt Nam và các đối tác trong khối ASEAN được ưu tiên hơn khi được áp dụng mức thuế ưu đãi trong việc xuất khẩu.

Dẫu vậy, Việt Nam dường như đã không khai thác tốt thị trường ASEAN cho xuất khẩu hàng hóa. ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam, song trong nhiều năm qua Việt Nam vẫn bị thâm hụt thương mại với khối. Hàng hóa ASEAN nhập khẩu vào Việt Nam nhiều hơn hàng hóa Việt Nam xuất sang thị trường các nước ASEAN.

Một trong những nguyên nhân chính là hàng hóa Việt Nam đã không tìm được sự “nổi bật giữa tương đồng”. Đó là khi thị trường ASEAN có nhiều sản phẩm hàng hóa tương đồng, đòi hỏi các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam phải biết tạo ra sự khác biệt về chất lượng, mẫu mã và cả cách tiếp cận thị trường.

Theo ông Nguyễn Thành Huy, phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan, nhiều hàng hóa của Việt Nam có chất lượng rất tốt nhưng chưa chiếm lĩnh được thị trường Thái Lan, là do cách tiếp cận thị trường và giới thiệu sản phẩm chưa tốt.

“Việt Nam có nhiều đặc sản vùng miền, trong đó có không ít sản phẩm có chỉ dẫn địa lý được thế giới công nhận, do đó trong việc truyền thông, giới thiệu sản phẩm của mình cần lan tỏa được câu chuyện về sản phẩm, con người, vùng đất cho khách hàng rõ, bán cho ai, bán như thế nào” - ông Huy nhận xét và cho rằng trong thời gian tới DN Việt Nam cần biết “kể những câu chuyện về những vùng nguyên liệu quý của mình, qua đó tạo ra những dấu ấn riêng, bản sắc riêng cho các sản phẩm Việt, để có thể ghi dấu ấn trên thị trường Thái Lan”.

Bên cạnh đó, việc khai thác thị trường ngách cũng rất quan trọng. Theo báo cáo đánh giá của Bộ Công Thương, Việt Nam đang có nhiều cơ hội mở rộng xuất khẩu mặt hàng nông sản, thực phẩm sang ASEAN, nhất là các nước có đa số người dân theo đạo Hồi (Indonesia, Malaysia…).

Tuy nhiên, hầu hết mặt hàng nông sản, thực phẩm nhập khẩu vào các nước ASEAN đều yêu cầu có chứng nhận Halal (chứng nhận để đủ điều kiện xuất khẩu hàng hóa, thực phẩm sang các nước Hồi giáo). Trong khi đó, nhiều DN Việt không đáp ứng được tiêu chuẩn này, nên không thể tiếp cận được phân khúc thị trường ngách tiềm năng này.

Rào cản thương mại do một số quốc gia trong ASEAN dựng lên, cũng được cho là nguyên nhân khiến hàng hóa xuất khẩu Việt Nam sang ASEAN bị hạn chế. Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Liên đoàn Thương mại - Công nghiệp Việt Nam VCCI), dẫn chứng thời gian qua, Indonesia, Philippines, Thái Lan đã đặt ra khá nhiều biện pháp phi thuế quan có tính hạn chế thương mại đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như sắt thép, xi măng, gạch men, xơ sợi.

Do đó, thời gian tới các cơ quan quản lý nhà nước cần cung cấp thông tin thị trường, hướng dẫn DN cách tiếp cận, cơ hội tại thị trường ASEAN. Bên cạnh đó, cần thường xuyên theo dõi để kịp thời phát hiện và có biện pháp đấu tranh, xử lý các chính sách hạn chế, rào cản thương mại đối với mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam.

Sưu tầm

                                                Nguồn: https://dttc.sggp.org.vn/doanh-nghiep-viet-bo-quen-thi-truong-asean-post111452.html

Các tin khác